Lượt xem: 1334

Hoàng sa lại “dậy sóng” giữa mùa đại dịch

Lợi dụng giữa lúc Việt Nam đang nỗ lực chống dịch covid 19, Trung Quốc đã ngang ngược cho tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa. Hành động ấy không chỉ trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã tham gia ký kết; mà càng làm xói mòn niềm tin giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Một lần nữa thế giới lên án Trung Quốc về hành động xâm phạm này.

    Hành động dã man trên biển

    Chiều 06-4, tức là sau 4 ngày kể từ thời gian tàu Trung Quốc ngang ngược đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã làm bản tường trình báo cáo Hội Nghề cá Quảng Ngãi về việc tàu cá của ông số hiệu QNg 90617 bị tàu Trung Quốc đâm chìm 4 ngày trước đó.

Đội tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Ngãi ở ngư trường các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Ảnh Việt Hùng

    Theo bản tường trình vụ việc nêu rõ: Sau khi ăn cơm buổi tối, các ngư phủ bắt đầu buổi lao động đêm. Chừng 3 giờ sáng ngày 02-4, khi tàu cá của ông Thọ đang hoạt động bình thường ở khu vực biển quanh đảo Phú Lâm của Việt Nam, thì bất thình lình một tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tiến sát và húc mạnh vào tàu cá QNg 90617. “Lúc đó chúng tôi không kịp trở tay. Một số anh em hoảng hốt lo sợ. Tôi bình tĩnh nói đây là vùng biển của Việt Nam. Một người trên tàu Trung Quốc đưa tay ra chỉ vào tàu cá chúng tôi. Chỉ trong giây lát, tàu chúng tôi bị chìm nghỉm”.

    Sau khi nhận được tin tàu cá QNg 90617 bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ba tàu cá của Quảng Ngãi (có số hiệu: QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, tàu QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ, và tàu cá QNg 90929 do ông Nguyễn Thành Linh làm chủ) đã “tăng tốc” chạy đến vùng biển đảo Phú Lâm để tìm kiếm tàu cá của ông Trần Hồng Thọ.

    Lúc này, phía Trung Quốc tiếp tục điều 2 tàu hải cảnh số hiệu  4001 và 4002 đến ngăn cản xua đuổi, vây bắt giữ tàu cá của ta. Tàu cá QNg 90399 và tàu cá QNg 90929 bị lính tàu hải cảnh Trung Quốc bắt giữ đưa vào đảo Phú Lâm. Tàu cá QNg 90045 bị tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun mạnh, khiến tàu cá bị hư hỏng nặng, không còn khả năng đánh bắt buộc phải quay về đất liền.

    Đến cuối giờ chiều ngày 02-4, phía Trung Quốc mới trao trả 8 ngư dân của tàu cá QNg 90617 bị tàu Trung Quốc đâm chìm rạng sáng ngày 02-4. Còn tàu cá QNg 90617 của ông Trần Hồng Thọ thì bị hỏng hoại hoàn toàn.

    Trước hành động xâm phạm của tàu cá Trung Quốc, chiều 03-4, Hội Nghề cá Việt Nam đã kịch liệt lên án và phản đối; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề nghị: “Chính phủ Trung Quốc phải bồi thường mọi thiệt hại, tổn thất vì đã đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển Việt Nam”.

    Cũng theo văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị Việt Nam phản đối phía Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. “Các cơ quan chức năng có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm”- văn bản nêu rõ.

    Trả lời báo chí ngay sau khi thông tin tàu cá Quảng Ngãi vị tàu Trung Quốc đâm chìm, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Sơn Bình trình bày quan điểm: “Biển của Việt Nam thì người Việt không thể không đánh bắt khai thác gìn giữ. Thời gian tới đây, chúng tôi đề nghị Hội Nghề cá Việt Nam, các lực lượng chức năng của Việt Nam tăng cường tuần tra để kịp thời hỗ trợ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân hoạt động trên biển, phối hợp ngăn chặn những hành động tấn công, uy hiếp để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất. Hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, bắt giữ người trái phép là hành động ăn cướp trên biển”, ông Hùng nói.

    Yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại

    Đó là quan điểm nhất quán của Việt Nam được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trước truyền thông tối ngày 03-4.

    Trong thông cáo tối ngày 03-4, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông tin phản hồi tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rõ:

    Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.

    Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với Luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Tàu cá câu mực của ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển đảo Đá Tây A, quần đảo Trường Sa của Việt Nam - ảnh Mai Thắng

    Ngay sau khi Bộ ngoại giao Việt Nam phát đi thông cáo phản đối việc tàu Trung Quốc đâm chìm và làm hư hại tài sản tàu cá Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng - đại diện Bộ Ngoại giao, đã giao thiệp với đại diện Đại sứ Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên; không để tái diễn những hành động tương tự; đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

    Thế giới phản đối

    Trước hành động ngang ngược, đâm chìm và phá hoại tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và lên án hành động nguy hiểm của Trung Quốc.

    Ngày 6-4, trên Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus có đăng một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này kèm dòng chú thích: “Mỹ lên án thông tin về việc Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào ngày 02-4. Thật đáng sợ khi Trung Quốc đang lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông”.

    Tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ không chỉ phản đối với tư cách là cường quốc đứng đầu thế giới có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, tự do hàng hải trên biển Đông, mà còn là thông điệp có tính răn đe và yêu cầu Trung Quốc chấp hành nghiêm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc đâm chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam là hành động “nhằm áp đặt chủ quyền phi pháp, cũng như gây bất lợi cho các quốc gia Đông Nam Á láng giềng ở Biển Đông”.

    Cùng với phản đối của Chính phủ Mỹ đối với Trung quốc, hãng tin Reuters cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Chính phủ Mỹ, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thay vì “bắt nạt” ngư dân Việt Nam, hãy tập trung cho các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại đại dịch do virus corona đang hành hoành khắp hành tinh.
Mai Thắng


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 7197
  • Trong tuần: 77,904
  • Tất cả: 11,801,224